DIEUTHEVIETNAM.COM
Việc chính quyền địa phương thận trọng hơn trong việc cấp phép dự án, cộng với viễn cảnh dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản ngày càng bị siết chặt lại đang khiến nhiều doanh nghiệp lo sẽ không tìm đâu ra vốn để phát triển dự án.
Một dự án đang xây dựng ở khu Nam Sài Gòn, nhưng đã nằm bất động nhiều tháng nay. Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là do không thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Được biết, dự án trên nằm mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,27ha, gồm bốn block cao từ 21 đến 28 tầng với 1.300 căn hộ. Trong đó, giai đoạn một của dự án gồm 680 căn thuộc Block E, F. Tuy nhiên, hiện tại dự án mới xây thô tới tầng 12 rồi ngưng thi công.
Việc dự án “chôn chân” suốt nhiều tháng liền đã khiến cho khách hàng mua căn hộ tại đây lo lắng. Mới đây, hàng chục khách hàng đã phải tụ tập trước công trường dự án căng băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.
Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đại diện chủ đầu tư đưa ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nổi bật là việc doanh nghiệp này không thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng bởi tín dụng vào bất động sản đang ngày càng bị siết chặt.
Giám đốc một doanh ghiệp bất động sản chia sẻ, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM trở nên trầm lắng và có dấu hiệu sụt giảm. Bằng chứng là có rất ít dự án mới được công bố, mở bán ra thị trường. Tình trạng này một phần là do đang là thời điểm “nhạy cảm” với hàng loạt vấn đề về đất đai được thanh kiểm tra, nhiều dự án đang bị rà soát, kiểm tra pháp lý. Do đó, cả chính quyền và doanh nghiệp đều thận trọng hơn trong việc cấp phép và triển khai dự án.
Tuy nhiên, cũng có một nguyên nhân khác đã được giới doanh nghiệp lo lắng từ những năm trước đó là tình trạng dòng vốn tín dụng vào bất động sản đang ngày càng bị siết chặt lại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết các chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, do các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng.
Tại TP.HCM, trong chín tháng của năm 2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, với 2,236 triệu tỉ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2018, nhưng có xu thế tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng đổ vào bất động sản có xu thế giảm dần, chỉ có 269.000 tỉ đồng, chỉ tăng 3,41% so với cuối năm 2018 (thấp hơn mức tăng tổng dư nợ tín dụng), chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng.
Cũng theo ông Châu, không chỉ các dự án bất động sản thương mại gặp khó về nguồn vốn mà các dự án Nhà ở xã hội cũng ngày càng khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, Nhà nước chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn ưu đãi tín dụng Nhà ở xã hội cho bốn ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV.
“Dự án Nhà ở xã hội ít ỏi cùng với việc nguồn tín dụng dành cho doanh nghiệp, người dân vay để đầu tư, mua Nhà ở xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến cho khả năng mua nhà của những người thu nhập thấp ngày càng khó khăn”, ông Châu nói.
Trong phiên họp Quốc hội ngày 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết bất động sản vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro, nên Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.